U nang buồng trứng là đa số là u lành tính, chỉ một
tỷ lệ nhỏ có biến chứng ung thư hóa và các biến chứng khác gây nguy hiểm tính mạng
và ảnh hưởng đến khả năng thực hiện thiên chức làm mẹ. Vì vậy, khi phát hiện u
nang buồng trứng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng là những nang hình thành ở buồng
trứng, có vỏ bọc ngoài, bên trong chứa chất dịch, hình thành trong giai đoạn rụng
trứng. Bệnh có thể xảy ra ở nữ giới thuộc mọi độ tuổi, nhưng cao nhất là ở độ
tuổi sinh sản. Khoảng 8% phụ nữ tiền mãn kinh có phát triển u nang lớn cần điều
trị. U nang buồng trứng ít xảy ra ở phụ nữ trong và sau giai đoạn mãn kinh có tần
suất tiến triển thành ung thư buồng trứng cao hơn các giai đoạn khác.
Hầu hết u nang buồng trứng là vô hại, không có các
triệu chứng cụ thể. Do đó, đa số nhiều người không biết mình có u nang - trừ
khi u nang phát triển lớn hoặc có nhiều u nang. Tuy nhiên, u nang buồng trứng
là bệnh thường dễ xảy ra các biến chứng, trong một số trường hợp đặc biệt (như
bị vỡ), có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng (xuất huyết trong ổ bụng,
viêm phúc mạc .. ). Vì vậy, người phụ nữ cần đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời
phát hiện và được tư vấn theo dõi, điều trị tốt nhất..
2. Biến chứng xảy ra khi u nang buồng trứng không được điều trị kịp thời
- Xoắn nang: Thường xảy ra với khối u có kích thước nhỏ, cuống dài, không dính. Biến chứng này cũng có thể xảy ra khi đang mang thai (nhất là trong những tháng đầu thai nghén), hoặc sau khi đẻ. Người bệnh biểu hiện bằng cơn đau bụng đột ngột, dữ dội, vã mồ hôi, choáng, nôn. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện mổ cấp cứu kịp thời. Bác sĩ sẽ thực hiện tháo xoắn, nếu buồng trứng hồng trở lại thì bóc u bảo tồn buồng trứng.
- Vỡ nang: Vỡ nang là biến chứng ít gặp, thường xảy ra với trường hợp u nang nước do có vỏ mỏng, sẽ gây đau và chảy máu dữ dội. Trong trường hợp u nang không được phát hiện sớm, nó có thể phát triển to và vỡ hoặc vỡ sau chấn thương mạnh vùng bụng dưới. U nang vỡ không chỉ gây đau dữ dội, nó còn có thể gây nên các biến chứng đe dọa tính mạng như vỡ u nang buồng trứng xuất huyết và nhiễm trùng. Bệnh nhân thường có biểu hiện đau dữ dội xung quanh vùng bụng, buồn nôn, hoặc nôn, đau nhiều hơn khi chạm vào vú.
- Nhiễm khuẩn nang: Nhiễm khuẩn xảy ra khi có xoắn nang. Biểu hiện bằng việc nang to lên, dính vào các tạng xung quanh. Cần được khám và điều trị sớm.
- Chèn ép tiểu khung: Biến chứng thường xuất hiện muộn, khi khối u đã lớn, có khả năng đè vào trực tràng, bàng quang. U chèn ép bàng quang gây đái rắt, chèn ép trực tràng gây táo bón. Nang to, tiến triển trong nhiều năm chiếm hết ổ bụng, đôi khi chèn ép niệu quản gây ứ nước bể thận, chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây phù, tuần hoàn bàng hệ, cổ chướng.
- Chảy máu trong nang: Đây là biến chứng phổ biến nhất. Chảy máu xảy ra khi một mạch máu trong nang bị vỡ hoặc bị xoắn nang. Máu từ mạch máu tràn ra nang và làm nang bắt đầu to lên. Nang buồng trứng là một túi có thành mỏng bên trong chứa đầy dịch nên dễ gây ra xuất huyết. Không phải trường hợp nào xuất huyết xảy ra cũng cần được phẫu thuật. Trong một số trường hợp, u nang sẽ phát triển trong một khoảng thời gian, sau đó bắt đầu co lại và cuối cùng tự biến mất. Tuy nhiên, theo dõi u nang buồng trứng xuất huyết là rất cần thiết để đảm bảo rằng nó tự giới hạn và không gây nguy hiểm cho buồng trứng.
- Các biến chứng khác: Vô sinh, đẻ non, sẩy thai, khó đẻ và có nguy cơ chuyển thành ung thư.
3. Biến chứng khi đang mang thai
U nang buồng trứng cũng thường xảy ra khi mang thai,
đa số các trường hợp đều lành tính. U nang buồng trứng tiếp tục phát triển có
thể vỡ, hay xoắn và gây ra vấn đề trong khi sinh. Dạng nang hay gặp là nang
hoàng thể hay u nang bì, ít khi gặp nang ác tính. Trong thời gian thai nhi được
trên 13 tuần tuổi, rau thai đã tiết đủ hocmon để nuôi dưỡng thai, nếu là nang
hoàng thể thì thường giảm kích thước hoặc không phát triển nữa, có thể không cần
phải mổ và xét nghiệm giải phẫu bệnh lý. Trong trường hợp u phát triển to, trong
3 tháng giữa thai kỳ, thì nên mổ ngay, trừ khi chỉ phát hiện được trong thời kỳ
cuối thai nghén.
Một kế hoạch hành động, theo dõi - điều trị thích hợp
cần được thực hiện để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi.
4. Phát hiện u nang buồng trứng bằng cách nào?
Các chẩn đoán, xét nghiệm u nang buồng trứng giúp chẩn
đoán bệnh bao gồm:
Siêu âm phát hiện u nang buồng trứng: Sử dụng đầu dò
đặt bên trong âm đạo, sóng siêu âm cho thấy hình ảnh và đặc điểm của u nang buồng
trứng về hình dạng, kích thước, vị trí, khối lượng (chứa chất lỏng, rắn hoặc hỗn
hợp).
Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại,
đem lại độ chính xác cao để phân loại u buồng trứng. Tuy nhiên để có kết quả
siêu âm chuẩn xác nhất thì bạn cần lựa chọn cơ sở thực hiện có uy tín, cơ sở vật
chất hiện đại, đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm. Hiện nay, tại các
hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang sử dụng các thế hệ máy
siêu âm màu hiện đại. Một trong số đó là máy siêu âm Logiq E9 của GE Healthcare
có đầy đủ options, các đầu dò có độ phân giải HD cho hình ảnh rõ nét, đánh giá
chính xác tổn thương.
- Test thử thai để biết xem người bệnh có mang thai hay không.
- Xét nghiệm nồng độ hormone.
- Xét nghiệm máu: Đối với phụ nữ mãn kinh, bác sĩ sẽ cho làm thêm xét nghiệm đo lượng kháng nguyên ung thư 125 (CA-125). Nếu bị ung thư buồng trứng, nồng độ CA-125 cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp ở phụ nữ tiền mãn kinh mắc một số bệnh khác ung thư (lạc nội mạc tử cung, xơ nang, nhiễm trùng vùng chậu, v..v..) cũng có thể làm tăng nồng độ CA-125.
5. Ngăn ngừa tiến triển của u nang buồng trứng
- Ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây, ngũ cốc. Bổ sung các nguồn thực phẩm giàu Vitamin A và Vitamin C.
- Uống đủ từ 1.5 lít – 2 lít nước/ngày.
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý kết hợp với các bài tập thể dục nhẹ nhàng, các bài massage vùng bụng và tử cung.
- Thực hành khám phụ khoa định kỳ để xác định mức độ tiến triển của bệnh và có các biện pháp điều trị kịp thời.
- Hạn chế ăn thức ăn nhanh và đặc biệt là các đồ ăn vặt chiên qua dầu mỡ nhiều lần như nem chua rán, xúc xích, ...
- Hạn chế dùng các loại đồ uống có cồn như bia, rượu, cà phê và đặc biệt cần tuyệt đối tránh hút thuốc lá.
- Hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng trong công việc hàng ngày.
Khi có các dấu hiệu u nang buồng trứng, bạn nên đến
các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ sản phụ khoa thăm khám và điều trị kịp thời,
tránh những biến chứng của u nang buồng trứng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét