Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

vì sao trẻ sơ sinh khó ngủ và cách khắc phục


      Gắt ngủ, khó ngủ là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh từ 0 - 3 tháng tuổi. Điều này có thể gây không ít mệt mỏi cho cả mẹ và bé. Vì sao lại có hiện tượng này và cách khắc phục thế nào, cùng tìm hiểu nhé!



1. Vì sao trẻ sơ sinh thường gắt ngủ, khó ngủ?

     Tâm lý trẻ sơ sinh rất khó nắm bắt, và với những người lần đầu làm mẹ thì lại càng gặp khó khăn hơn trong việc hiểu con muốn gì. Một trong những vấn đề khiến nhiều bà mẹ thực sự lo lắng là vì sao con hay khóc, khó ngủ và gắt ngủ thường xuyên.

     Trước giấc ngủ, trẻ thường khóc lớn, dỗ thế nào cũng không nín, chưa kể, nhiều trẻ, mẹ ru mãi cũng không chịu ngủ dù lúc đó là đêm khuya. Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng, trẻ sơ sinh thường có nhiều giấc ngủ ngắn và không sâu. Đặc biệt với các bé bú mẹ thì giấc ngủ lại càng ngắn hơn, do đó bé hay tỉnh dậy và khóc.

     Sở dĩ, vì sữa mẹ dễ tiêu khiến bé nhanh đói và bé sẽ dậy khi có nhu cầu bú. Trừ một số trường hợp bé bị bệnh, bé sẽ quấy mẹ nhiều hơn và khó ngủ hơn nếu không được ôm ấp vỗ về.

    Thực tế, tới 50% trẻ sẽ gắt ngủ, khó ngủ hơn trước khi ngủ. Đây là hiện tượng hết sức bình thường và các bà mẹ không cần lo lắng.

Trẻ hay quấy khóc trước khi ngủ

      Điều này cũng khá bình thường, do hệ thần kinh của trẻ sơ sinh chưa ổn định khiến trẻ dễ giật mình và khóc. Vì vậy, nếu mẹ để ý khi trẻ ngủ, trẻ rất dễ bị giật mình, tỉnh dậy và khóc. Đó là lí do nhiều mẹ thường phải quấn chặt khăn hoặc chèn thêm mền quanh người trẻ để trẻ ít giật mình khi ngủ. Ngoài ra khóc cũng là cách duy nhất trẻ sơ sinh biểu hiện nhu cầu đói, khát... vì vậy, dù nhiều mẹ lo lắng vì con hay khóc nhưng thực ra khóc không gây tổn hại gì cho con cả.



2. Khi nào gắt ngủ, khó ngủ ở trẻ sơ sinh trở nên đáng lo?

     Mặc dù đây là hiện tượng bình thường ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó không đáng quan tâm. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ gắt ngủ, khó ngủ trong 3 tháng đầu, một số trẻ chỉ khó ngủ khoảng tháng đầu. Và trẻ sơ sinh sẽ có những giấc ngủ ngắn trong ngày, nhưng tổng cộng thời gian ngủ lên tới 17 - 20 tiếng để đảm bảo cho sự phát triển của giai đoạn này.

     Tuy nhiên, nếu trẻ kéo dài hiện tượng này sau 3 tháng, trẻ hay lăn lộn gắt ngủ, trăn trở và không ngủ được, đêm thức nhiều lần và số thời gian ngủ không đạt tối thiểu 18 tiếng/ngày thì không ổn. Lúc này cha mẹ cần theo dõi thêm các dấu hiệu như trẻ có biếng ăn, ít bú, mệt mỏi, da xanh xao, đi ngoài... Nếu có thì cần cho trẻ đi thăm khám bác sĩ ngay.

3. Cha mẹ làm gì khi trẻ thường khó ngủ, gắt ngủ?

     Đảm bảo trẻ được no bụng, sạch sẽ trước khi ngủ

- Ngay khi trẻ có dấu hiệu buồn ngủ, hãy cho trẻ đi ngủ ngay để tránh con cáu gắt trước khi ngủ. Một số dấu hiệu buồn ngủ như ngáp, dụi mắt, đạp chân tay...

- Đảm bảo trẻ đã no bụng trước khi đi ngủ. Hoặc nếu mẹ thấy trẻ có dấu hiệu buồn ngủ hãy cho con bú để con dễ chìm vào giấc ngủ hơn.

- Mẹ nên kiểm tra xem tã có bị ướt, quần áo có chật chội không, vì nếu tã ướt, quần áo chật chội sẽ khiến trẻ khó chịu và giật mình khóc giữa chừng.

- Đảm bảo nhiệt độ phòng 26 - 28 độ. Đây là nhiệt độ phòng lý tưởng dành cho trẻ sơ sinh do thân nhiệt trẻ chưa thể tự điều chỉnh được và rất dễ bị nóng nực, khó chịu.

- Nếu trẻ vẫn quấy khóc, khó ngủ dù đã no bụng, ấm áp, sạch sẽ thì mẹ nên kiểm tra xem trẻ có bị bệnh không.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Theo dõi bài đăng của Bs Tân

Liên Hệ Hỗ Trợ

Email: bacsitan.n01@gmail.com

Đội Ngũ Phòng Khám